Sampling là gì? Vai trò của Sampling với ngành bán lẻ.

Sampling là hình thức quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến người tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ lựa chọn. Vậy, Sampling đóng vai trò quan trọng ra sao, bài viết này sẽ giải đáp.

1 Sampling là gì?

Sampling là hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, đồng thời cho phép họ được trải nghiệm sản phẩm. Đây là hình thức triển khai Marketing quen thuộc tại thị trường Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách giữa khách hàng và doanh nghiệp, phù hợp dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực FMCG, viễn thông áp dụng.

Sampling là hình thức quảng bá cho phép người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm miễn phí. Nguồn: TopCV

2 Các hình thức của Sampling

2.1 Face to Face

Face to Face là hình thức triển khai Sampling tại các địa điểm ngoài trời tập trung nhiều đối tượng khách hàng, như bệnh viện, trường học, chung cư, siêu thị. Với hình thức Sampling này, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Vì vậy, Face to Face được xem là hình thức phổ biến, được đánh giá cao và có khả năng mang lại hiệu quả tối ưu.

Face to Face là hình thức triển khai Sampling tại các địa điểm ngoài trời tập trung đông khách hàng qua lại. Ảnh: COI Event

2.2 Door to Door

Door to Door thường tốn kém hơn khi triển khai Sampling vì doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ nhân viên bài bản để có thể tự đi tìm kiếm nhóm khách hàng tiềm năng cũng như có khả năng thuyết phục họ. Ví dụ, đối với các doanh nghiệp bán thuốc, đội ngũ trình dược viên sẽ giới thiệu các loại thuốc, thực phẩm chức năng tại chính nhà thuốc và thuyết phục họ mua sản phẩm.

Việc này tương đối tốn kém về chi phí, công sức lẫn nhân lực. Door to Door thường không được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi triển khai những chiến dịch Sampling.

3 Vai trò của Sampling trong ngành bán lẻ

3.1 Tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ

Các chiến dịch Sampling cho phép khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hoàn toàn miễn phí. Việc này giúp kích thích khách hàng thay đổi hành vi, sẵn sàng chi tiền để sở hữu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đây được xem là đòn bẩy có giá trị nhất tác động đến khách hàng, tạo động lực mua sắm.

‘Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy chẳng bằng một thử’. Vì thế, việc các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng hình thức Sampling là điều cần thiết, đem đến cho khách hàng cơ hội trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ miễn phí, giúp họ có quyết định mua, thậm chí là mua lại nhiều lần.

Sampling là hình thức kích thích khách hàng thay đổi hành vi, sẵn sàng chi tiền để sở hữu sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ. Ảnh: NCA

3.2 Củng cố niềm tin trong mắt khách hàng

Giữa hàng loạt các thương hiệu kinh doanh cùng phân khúc trên thị trường, việc doanh nghiệp có thể giúp khách hàng hiểu đúng, rõ về sản phẩm, dịch vụ tạo ưu thế về lòng tin so với mặt bằng chung đối thủ cạnh tranh.

Với Sampling, khách hàng có thể đưa ra được những đánh giá đúng đắn nhất về sản phẩm, dịch vụ, từ đó đưa ra quyết định mua sắm. Khách hàng có thể không chi tiền cho sản phẩm ngay, nhưng những ấn tượng về sản phẩm sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng họ nghĩ, nhớ đến thương hiệu khi có nhu cầu tiêu dùng trong tương lai.

3.3 Tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng

Khi có ý định mua sắm, nhóm khách hàng tiềm năng thường tìm đến bạn bè, người thân, những nhóm người từng trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm của thương hiệu trước đó. Vì thế, với Sampling, doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, từ đó mở rộng tệp khách hàng, biến họ trở thành nhóm khách hàng tiềm năng.

3.4 Tiết kiệm chi phí quảng cáo

Khác với những hình thức quảng cáo khác, Sampling có chi phí tương đối thấp. Doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị sản phẩm mẫu thử cùng đội ngũ PG được đào tạo bài bản, có kiến thức cơ bản về sản phẩm, dịch vụ để sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ khách hàng trải nghiệm sản phẩm tại điểm bán. 

Sampling giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi chỉ cần chuẩn bị mẫu thử và đội ngũ PG được đào tạo bài bản. Ảnh: Kim Quy

3.5 Tăng khả năng tương tác với khách hàng

Việc triển khai Sampling còn cho phép khách hàng có cơ hội phản hồi trực tiếp với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng thực tế thông qua việc trao đổi với nhân viên PG. Điều này giúp khách hàng có thể nhận được câu trả lời mà họ cần, đồng thời giúp mở rộng khả năng bán hàng, và thu về những đánh giá khách quan, nhu cầu thực tế để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.

4 Các địa điểm có thể triển khai Sampling

  • Trường đại học, phổ thông trung học: Trường Đại học là quy tụ tập khách hàng tiềm năng của hầu hết các nhãn hàng FMCG. Đây là tập khách hàng cởi mở với xu hướng và sẵn sàng chi tiêu để trải nghiệm sản phẩm nhất. Lưu ý rằng doanh nghiệp cần được ban lãnh đạo nhà trường, cơ sở đồng ý cũng như đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dùng.
  • Bệnh viện, các trung tâm làm đẹp: Bệnh viện là nơi tập trung đông các đối tượng khách hàng quan tâm và có nhu cầu đầu tư cho sức khoẻ cao. Đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến sức khỏe, làm đẹp, đây là địa điểm lý tưởng nhất để tiếp cận họ.
  • Tòa nhà văn phòng: Các mặt hàng có thể triển khai Sampling tại đây bao gồm cà phê, mỹ phẩm, các loại nước, thức ăn nhanh. Doanh nghiệp cần được sự cho phép của chủ tòa nhà, đồng thời lựa chọn thời điểm nhân viên văn phòng thư giãn để dễ dàng tiếp cận
  • Chợ và siêu thị: Đây là hai địa điểm tập trung đông người qua lại, rất thích hợp để triển khai Sampling. Tuy nhiên, khi lựa chọn hai địa điểm này, doanh nghiệp cần hiểu rõ các mặt hàng, sản phẩm tương đồng với nhu cầu của khách hàng tại khu vực này.
  • Nhà hàng, cafe: Hai địa điểm này chuyên phục vụ nhu cầu ăn uống, vì thế, các sản phẩm có thể triển khai Sampling tại đây phải liên quan đến thức uống, thức ăn, gia vị. 
  • Các sự kiện đông người: Đây là địa điểm lý tưởng để triển khai Sampling vì quy tụ đông người, dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. Doanh nghiệp cần xin phép ban tổ chức và sắp xếp thời gian triển khai Sampling phù hợp (trước – sau hay giữa sự kiện)

Sampling là hình thức marketing hứa hẹn mang đến lợi ích hiệu quả cho doanh nghiệp, bao gồm cả việc tối ưu hóa chi phí lẫn nhân lực. Qua bài viết này, hy vọng doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về loại hình quảng bá này, đồng thời xây dựng được chiến dịch phù hợp.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *